Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2017: Bùng nổ hai đội Nhật Bản, Thụy Sĩ
Mở đầu cho đêm thứ 2 Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2017 với chủ đề “Thổ” tại sân khấu chính của sự kiện đã diễn ra chương trình nghệ thuật của các nghệ sĩ của Nhà hát Cung đình Huế mang trang phục truyền thống cùng 30 diễn viên của vũ đoàn Phương Việt làm nên đại cảnh múa Tứ linh trên nền nhạc truyền thống.
Màn múa giới thiệu những linh vật đặc sắc của văn hóa Việt đã được dàn dựng công phu và kỹ lưỡng, là điểm nhấn làm bật lên tính “Thổ”của đêm diễn thứ 2 này. Phần trình diễn ca khúc “Đà Nẵng Nàng Tiên” của Kasim Hoàng Vũ cùng 50 diễn viên múa của vũ đoàn Phương Việt đã được dàn dựng và thể hiện với một phong cách đầy trẻ trung, sôi động và hiện đại.
Khi Kasim Hoàng Vũ biểu diễn trên sân khấu quê hương thì trên mặt sông Hàn, 20 mô hình nổi mở ra những biểu tượng đặc trưng thể hiện tinh thần Thổ, cùng với hệ thống pháo kỹ xảo để làm nên một màn biểu diễn độc đáo. Các nghệ sĩ đến từ Thụy Sỹ là điểm nhấn độc đáo của đêm Thổ, bởi màn biểu diễn kèn sừng của họ đã khiến những người có mặt tại khán đài hết sức bất ngờ và thích thú.
Ngay sau chương trình nghệ thuật đầy ấn tượng, bầu trời trên sông Hàn Đà Nẵng rực sáng với cuộc thi tài của hai đội pháo hoa đến từ Nhật Bản và Thụy Sĩ. Với những kỹ thuật bắn pháo hoa bằng máy tính nổi tiếng và sự trở lại với Đà Nẵng sau 4 năm, đội Nhật Bản đã tạo nên một vũ trụ với các tiểu hành tinh và những phi thuyền, đồng thời đưa khán giả cùng khiêu vũ với âm nhạc và pháo hoa.
Màn trình diễn của đội pháo hoa Nhật Bản đã tạo nên cảm giác phấn khích ngay từ loạt pháo hoa đầu tiên với khán giả khi chọn nhạc phẩm trong bộ phim “Star Wars”… Với công nghệ bắn pháo hoa bằng máy tính hiện đại bậc nhất thế giới, đội pháo hoa Nhật Bản đã kể câu chuyện về vũ trụ bao la với các hành tinh, phi thuyền, về con người Nhật Bản, sự cảm thông, chia sẻ bằng nhiều loại pháo độc đáo của đội và những lớp lang âm nhạc giàu cảm xúc.
Ông Josh Kabasawa, Đội trưởng đội pháo hoa Nhật Bản chia sẻ: Nhật Bản có văn hóa truyền thống rất lâu đời. Chúng tôi đã gửi đến khán giả những dấu ấn truyền thống đó qua những bông pháo hoa, theo một cách sinh động và đặc sắc nhất.
Đặc biệt, chúng tôi cũng kết hợp cả những nét hiện đại trong màn trình diễn của mình qua việc sử dụng những bài hát, bản nhạc thịnh hành. Như vậy, khán giả Việt Nam sẽ cảm nhận được sự gần gũi và độc đáo của văn hóa Nhật Bản.
Ông cho rằng việc nâng tầm cuộc thi trình diễn pháo hoa thành lễ hội không chỉ tốt cho người dân, khán giả mà còn tốt cho thành phố Đà Nẵng, cho chính những đội pháo hoa tham gia. Thành phố Đà Nẵng có thêm nhiều cơ hội thu hút du khách.
Đối thủ trong đêm thứ 2 này của đội Nhật Bản là Thụy Sĩ, dàn giáo cao 4m, pháo hoa mới, kĩ thuật bắn hiện đại giúp tốc độ bắn pháo nhanh, bắn ra 21 hướng khác nhau… cùng với cốt truyện pháo hoa rất độc đáo, màn trình diễn của đội Thụy Sĩ đã tạo nên những cảm xúc mà bất cứ ai đều trải qua khi leo đến đỉnh Ngũ Hành Sơn.
Ông Nicolas Guinand, Đội trưởng đội pháo hoa Thụy Sỹ cho biết: Để tạo nên màn trình diễn pháo hoa với chủ đề “Tỏa sáng Ngũ Hành Sơn” lần này, chúng tôi sử dụng một số công cụ rất đặc biệt và sử dụng loại pháo hoa mới, kĩ thuật cũng khá hiện đại làm cho tốc độ bắn pháo nhanh, bắn ra 21 hướng khác nhau. Như vậy, khán giả có thể ngắm nhìn pháo hoa từ bất cứ góc độ nào. Và cuối cùng, một màn pháo hoa đặc biệt có hình lá cờ Việt Nam khi được bắn lên.
Màn trình diễn của Đội Thụy Sỹ đã cho thấy sự hiện đại, mới mẻ. Họ sử dụng hệ thống bệ phóng pháo hoa rất hiện đại, chưa từng có từ trước tới nay. Về âm nhạc, đội Thụy Sỹ theo đuổi phong cách âm nhạc dân gian đương đại và có thể nói đội Thụy Sỹ đã “vẽ Ngũ Hành Sơn” của Đà Nẵng bằng pháo hoa và để lại trong lòng người xem một dấu ấn khó phai./.
Chia sẻ:
test